Compaq: Cái tên cũ nhưng không bị lãng quên của ngành máy tính cá nhân
Năm
1982, máy tính điện toán đã không còn sở hữu dáng vẻ cồng kềnh khổng
lồ, tốn diện tích của cả một căn phòng, mà trở thành những cỗ máy gọn
gàng có thể đặt vừa trên một bàn làm việc. Nhưng ở thời điểm ấy, nó vẫn
chưa đủ tính cơ động. Vậy là ba nhà khởi nghiệp, Rod Canion, Jim Harris
và Bill Murto đã quyết định tìm cách thay đổi điều đó. Với chỉ 3 nghìn
USD, họ mở một công ty có tên Compaq, ghép lại giữa hai từ “compatibility” và “quality”.
Bản thân cái tên ấy đã mô tả hoàn hảo tầm nhìn của công ty, với tham vọng nhắm tới vị thế của những gã khổng lồ ở IBM, International Business Machines, và tham vọng tạo ra một chiếc máy tính cá nhân tương thích với hệ thống của IBM, cấu hình vừa phải mạnh như những cỗ máy desktop mạnh nhất mà IBM bán ra thị trường, nhưng lại có dáng vẻ gọn gàng hơn nhiều.
Sản phẩm đầu tiên ra mắt ngay một năm sau đó, Compaq Portable năm 1983.
Bản thân cái tên ấy đã mô tả hoàn hảo tầm nhìn của công ty, với tham vọng nhắm tới vị thế của những gã khổng lồ ở IBM, International Business Machines, và tham vọng tạo ra một chiếc máy tính cá nhân tương thích với hệ thống của IBM, cấu hình vừa phải mạnh như những cỗ máy desktop mạnh nhất mà IBM bán ra thị trường, nhưng lại có dáng vẻ gọn gàng hơn nhiều.
Sản phẩm đầu tiên ra mắt ngay một năm sau đó, Compaq Portable năm 1983.
Máy PC nhỏ gọn, tương thích với IBM
Kích thước của Compaq Portable cũng ngang ngửa những thùng máy tính để bàn ngày hôm nay, nhưng nó là một hệ thống all-in-one đúng nghĩa, bao gồm cả màn hình 9-inch đơn sắc lẫn bàn phím tích hợp. Chiếc máy này có kích thước hoàn hảo để bỏ lên khoang hành lý xách tay của những chuyến bay, và đó chính xác là mục tiêu ban đầu của Compaq khi thiết kế cỗ máy tính này.Bên trong, cấu hình trang bị chip vi xử lý Intel 8088 chạy ở xung nhịp 4.77 MHz, 128kB RAM và hai tùy chọn bộ nhớ lưu trữ. Bên cạnh màn hình đơn sắc, hoặc có thể trang bị 2 ổ cứng 5.25 inch, hoặc một ổ đĩa mềm floppy drive và một ổ cứng 10MB. Chiếc máy chạy hệ điều hành MS-DOS với BIOS do Compaq tự phát triển, Compaq DOS 1.13.
Thời điểm 1983, Compaq Portable bán ra thị trường với giá 3,600 USD, quy đổi tỷ giá lạm phát của năm 2024 là tận hơn 11 nghìn USD. Nó không phù hợp với hầu hết người tiêu dùng vì mức giá trên trời, nhưng với đối tượng người dùng doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nhân di chuyển nhiều, cỗ máy này thực sự hấp dẫn.
Chỉ trong năm đầu tiên, Compaq đã bán ra được hơn 53 nghìn máy Portable, doanh thu kỷ lục 111 triệu USD. Rồi hai năm kế tiếp, doanh thu tiếp tục tạo dựng kỷ lục, 329 triệu USD trong năm 1983 và 504 triệu USD trong năm 1984.
Tăng trưởng thần tốc và tác động với thị trường
Cái đà của những năm đầu tiên tham gia thị trường máy tính điện toán đã giúp Compaq có được vị thế một trong những tập đoàn hàng đầu trong ngành máy tính. Năm 1986, ngay sau khi thế hệ máy Portable II ra mắt, Compaq trở thành công ty non trẻ nhất được đưa vào danh sách Fortune 500. Đến năm 1987, doanh thu của công ty 5 năm tuổi đạt hơn 1 tỷ USD. Khi ấy, một trong ba nhà đồng sáng lập, Bill Murto rời khỏi vị trí phó chủ tịch phụ trách bán hàng của Compaq. Dù vậy, tập đoàn vẫn tiếp tục phát triển rất mạnh.
Một phần lớn thành công của Compaq đến từ tài lãnh đạo của Rod Canion. Ông đã định hình văn hóa doanh nghiệp có phần dễ thở, giúp thu hút những nhân tài hàng đầu của ngành.
Đến năm 1991, doanh thu của Compaq đã đạt ngưỡng 3 tỷ USD, đứng thứ 5 về thị phần máy tính cá nhân. Tuy nhiên đây cũng là khoảng thời gian đầy sóng gió đối với công ty. Những xung đột về tầm nhìn giữa CEO Canion với ban lãnh đạo tập đoàn đã khiến cả Canion lẫn Jim Harris, hai nhà đồng sáng lập còn lại của Compaq, rời khỏi công ty.
Những xung đột này xuất hiện khi những công ty cạnh tranh như Dell, AST Research và Gateway tham gia thị trường máy tính cá nhân. Họ có những lựa chọn rẻ hơn so với máy tính của Compaq. Tốc độ tăng trưởng, vì thế chỉ còn có 4% so với con số trung bình 7% của cả ngành.
Hội đồng quản trị tập đoàn muốn thay đổi tình hình kinh doanh, nhưng CEO Canion thì muốn tiếp tục làm những gì họ đang định hướng từ ban đầu, thứ đã giúp Compaq nổi tiếng ngay từ những ngày đầu tiên, đó là tạo ra những cỗ máy phân khúc high-end phục vụ thị trường người dùng doanh nghiệp, để giữ tỷ suất lợi nhuận cao.
Sau khi Compaq có quý đầu tiên phải chịu khoản lỗ 71 triệu USD, giá cổ phiếu giảm tới 66%, CEO Canion bị cho nghỉ việc. Harris và 4 vị giám đốc lâu năm khác của Compaq cũng nghỉ việc sau đó 5 tuần.
Presario: Chuyển hướng sang thị trường tiêu dùng
Giám đốc vận hành Eckhard Pfeiffer khi ấy trở thành CEO mới, chuyển hướng kinh doanh của Compaq. Tính đến trước khi có CEO mới, Compaq đang sản xuất những cấu hình thiết bị như DeskPro hay SystemPro, định hướng cho đối tượng khách hàng doanh nghiệp.
Tầm nhìn của Pfeiffer là tạo ra một chiếc máy tính cá nhân giá dễ tiếp cận cho người dùng phổ thông. Chiếc máy đầu tiên chính là Presario. Nó là hệ thống PC đầu tiên có giá bán chính thức dưới 1000 USD, và nhanh chóng trở thành một món hàng hot.
Để chạm được tới mức giá thấp như vậy, Compaq là tập đoàn đầu tiên lựa chọn chip xử lý từ AMD và Cyrix, định hướng mà sau này cả ngành PC làm theo.
Chiến lược sản phẩm tiêu dùng mới này đã kích hoạt một cuộc chiến cạnh tranh về giá cực kỳ khốc liệt. Hậu quả là vài cái tên như Packard Bell hay AST Research đã phải phá sản vì không chịu nổi cạnh tranh. Và cũng nhờ Presario, Compaq trở thành cái tên đứng thứ 3 thị trường PC xét theo thị phần. Khi ấy IBM vẫn đứng đầu, nhưng không được lâu nữa.
Đến năm 1994, Compaq vượt qua “nhà vua” IBM để dẫn đầu thị trường máy tính cá nhân, nhờ vào việc liên tục giảm chi phí để hàng triệu người được tiếp cận với máy tính. Nhưng thành công của Compaq không tồn tại lâu…
Một loạt những thương vụ sáp nhập tệ hại
Năm 1989, Compaq bắt đầu sản xuất cả máy in, và những sản phẩm này của họ cũng được thị trường đón nhận nồng nhiệt. Nhưng khi lên nhậm chức CEO, Pfeiffer cho rằng Compaq không đủ nguồn lực để cạnh tranh với Hewlett Packard, khi ấy nắm giữ 60% thị phần máy in. Năm 1994, Compaq bán lại mảng sản xuất máy in cho Xerox với chỉ vỏn vẹn 50 triệu USD.
Rồi kế đến, năm 1995, Compaq cố gắng hợp tác với Cisco để sản xuất thiết bị mạng, thương vụ với trị giá 4 tỷ USD một năm, xây dựng cả mảng nghiên cứu phát triển sản phẩm thiết bị mạng.
Từ năm 1997, Compaq lao vào cuộc đua sáp nhập và mua lại các công ty khác. Đầu tiên, họ bỏ 3 tỷ USD mua lại Tandem Computers, rồi cuối năm ấy là mua Microcom. Đến năm 1998, để củng cố sức mạnh của mảng phát triển thiết bị mạng, Compaq mua lại NetWorth.
Trước khi năm 1998 qua đi, họ mua cả tập đoàn nổi tiếng khi ấy là Digital Equipment Corporation với giá 9.6 tỷ USD. Thời điểm ấy, thương vụ giữa Compaq và DEC có giá trị lớn nhất thị trường máy tính, nhưng kết cục lại không được như ý muốn.
Trên lý thuyết, DEC sẽ cho Compaq đường thâm nhập và cạnh tranh trên thị trường máy tính phục vụ doanh nghiệp và các tập đoàn. Nhưng điều đó không trở thành hiện thực. DEC có một mảng nghiên cứu phát triển chip bán dẫn, nhưng Compaq không quan tâm tới mảng đó, không muốn cạnh tranh với Intel, vả lại chip của DEC cũng không tương thích với máy tính của Compaq.
DEC cũng có mảng sản xuất máy tính cỡ nhỏ, và cũng là thứ Compaq không có ý định kinh doanh. Cuối cùng, mảng tư vấn doanh nghiệp cũng là mảng DEC có lãi, nhưng cũng là thứ Compaq không cần tới. Rốt cuộc, thương vụ 9.6 tỷ USD chẳng mang lại lợi ích gì cho Compaq cả.
Suy tàn
Thương vụ mua lại DEC là khởi đầu của sự suy tàn đối với Compaq. Như mọi lần, khi hai tập đoàn sáp nhập với nhau, văn hóa của hai doanh nghiệp sẽ va chạm với nhau. Những lượt thanh lọc nhân sự lớn được diễn ra, tinh thần nhân viên đi xuống. Những quá trình này tạo ra những sản phẩm không kịp phát triển đúng hẹn, không kịp ra mắt thị trường.
Cùng lúc, Compaq cũng quá tự tin vào nhu cầu thị trường, đẩy nguồn cung hàng loạt tới cho các đơn vị bán lẻ, dẫn tới việc phải bán tống bán tháo những chiếc máy ế ẩm ở mức giá thấp không thể tưởng tượng nổi. Và quyết định hỗ trợ đối tác bán lẻ bằng cách chịu lỗ cũng khiến họ thâm hụt hàng triệu USD, cùng lúc gây ra những rắc rối với các đối tác như Microsoft.
Đến năm 1999, ban quản trị Compaq nghĩ rằng Pfeiffer đã trở nên xa cách với những nhân sự cấp cao. Họ cần người lãnh đạo mới để giải quyết những xung đột với các đối tác, và củng cố tinh thần nhân viên. Vậy là thành viên hội đồng quản trị Ben Rosen đưa ra biểu quyết thay CEO, thứ mà toàn bộ ban quản trị đồng tình.
Michael Capellas thay thế cho Eckhard Pfeiffer. Nhưng trước khi trở thành CEO, Capellas chỉ làm cho Compaq trong vòng 7 tuần ở vị trí giám đốc vận hành, và trước đó là giám đốc thông tin. Quyết định thay thế tầm nhìn lãnh đạo có vẻ cũng là quá muộn.
Khi ấy giá cổ phiếu của Compaq đã giảm tới 50%, dẫn tới những đàm phán sáp nhập với Hewlett-Packard. Quá trình đàm phán này lại tiếp tục gây ra những xung đột trong nội bộ công ty.
Sáp nhập với Hewlett-Packard
Năm 2002, Hewlett-Packard mua lại Compaq với giá 42.2 tỷ USD. Những cổ đông của Compaq được giữ 36% cổ phần, HP giữ 64% cổ phần còn lại. Bất chấp việc bỏ ra tới 634.5 triệu USD giữ chân những nhân sự chủ chốt, vẫn xảy ra việc thanh lọc nhân sự, nơi hơn 15 nghìn người bị cho nghỉ việc sau khi thương vụ sáp nhập được hoàn tất.
Rồi những xung đột nội bộ lại tiếp tục khiến thị phần máy tính cá nhân của Compaq trên thị trường rơi vào tay của những đối thủ cạnh tranh. Đến một thời điểm, Dell cũng vượt qua Compaq về doanh số máy tính cá nhân bán ra thị trường.
Hệ quả, HP biến Compaq trở thành một thương hiệu máy tính giá rẻ dễ tiếp cận. Quyết định này lại tiếp tục gây hại cho Compaq khi họ vừa phải chịu đựng những vấn đề liên quan tới chất lượng sản phẩm vì máy tính giá rẻ, vừa phải chịu đựng sự cạnh tranh từ chính công ty mẹ, HP.
Dần dần, HP đổi tên Compaq thành Elitebook và Probook, và chính thức ngừng sử dụng thương hiệu Compaq vào năm 2013.
Nhưng tới năm 2015, một công ty có trụ sở tại Argentina, Grupo Newsan đã mua lại bản quyền thương hiệu Compaq để sản xuất và bán máy tính xách tay tại thị trường nước này, bao gồm hai phiên bản máy Presario ra mắt năm 2016. Đến năm 2019, Grupo Newsan cũng từ bỏ thương hiệu Compaq. Những năm qua, Compaq sống vật vờ thông qua những thương vụ chuyển giao quyền sở hữu thương hiệu, để sản xuất những thiết bị điện tử giá rẻ, từ smart TV ở Ấn Độ và Argentina, cho tới laptop ở Brazil và những chiếc máy tính bảng Android sản xuất ở Trung Quốc, bán ra ở những quốc gia Mỹ Latin.
Theo Techspot
Nhận xét
Đăng nhận xét