[Chia sẻ] Những món đồ nên chuẩn bị sẵn và một vài app tốt cho chuyến du lịch hè

Mùa hè đã tới, xách ba lô lên và đi du lịch thôi anh em ơi. Nhưng để chuyến đi của chúng ta diễn ra ngon lành hơn và vui vẻ, dễ dàng hơn, xin chia sẻ với anh em một số thứ mà mình hay mang theo, cũng như những app mình thường sử dụng trong chuyến du lịch của mình. Thật ra nếu bạn có phải đi công tác dài ngày thì những thứ mình chia sẻ trong bài này cũng sẽ giúp ích đấy. Mời anh em tham khảo.


Đồ cắm điện nhiều đầu

Khi bạn du lịch vòng vòng trong Việt Nam thì không sao, nhưng lúc bạn đi sang nước khác thì cần để ý tới đầu cắm điện của quốc gia đó ra sao. Có những quốc gia dùng chấu 3 cắm rất khó chịu, có nước thì chỉ sử dụng châm cắm tròn, có nước thì dùng chân chữ T hay chân xéo chẳng hạn.

Giải pháp mà chúng ta hay sử dụng từ xưa đó là đi mua một số đầu chuyển cho từng loại chấu cắm, và đi tới nước nào thì mang loại tương ứng. Nhưng giờ chúng ta có nhiều đồ chơi mới mà cụ thể là chấu cắm nhiều chân trong 1 cục duy nhất thì tội gì mà không xài. Mình đang dùng cục của Điện Quang, nó hỗ trợ gần như tất cả những chấu cắm phổ biến trên thế giới, đi tới nước nào thì bung chấu của quốc gia đó ra mà sử dụng. Bạn thậm chí còn có thể bẻ được chân cắm từ thẳng sang chân xéo nữa kìa. Cục này cũng vô cùng gọn gàng dễ bỏ trong balo.


Cong_cu_di_du_lich_he_2.jpg

Ngoài đồ chuyển chấu cắm, mình còn đem theo một ổ nối điện với 2 cổng cắm. Ổ nối này khi đi du lịch mình sẽ để trong hành lý ký gửi cho đỡ nặng vai. Khi bạn cần cho người bạn đi cùng sạc ké, hoặc khi bạn có quá nhiều thiết bị, thì ổ nối sẽ giúp bạn nhiều lắm. Đặc biệt như bọn mình mỗi lần đi công tác là cần sạc nào laptop, camera, điện thoại, máy quay... nên ổ nối vô cùng lợi hại.

Cong_cu_di_du_lich_he_3.jpg

Cục sạc nhiều cổng

Mình đang xài cục Anker 5 cổng có USB-C. Lý do sử dụng cục này là do mình có thể vừa sạc được cho cả laptop lẫn điện thoại. Cổng USB-C sẽ cấp nguồn cho MacBook của mình trong khi vẫn sạc cho thêm cho 4 máy khác, kể cả khi đó là iPad Pro 12.9 hay smartphone. Khi đi chơi hay du lịch thì chỉ cần cầm 1 cục Anker này đủ, có thể bỏ sạc MacBook, sạc điện thoại, sạc iPad ở nhà. Thứ bạn cần đem khi đó chỉ cần là cáp để sạc những món đồ của bạn mà thôi. Ngay cả khi bạn không đem nhiều máy móc thì cục Anker cũng sẽ rất tiện để sạc cho thiết bị của bạn gái / bạn trai / bạn gái cùng phòng hay những người khác đi cùng với bạn.

Ngoài Anker, mình chưa kiếm được giải pháp đa cổng nào mà có cổng USB-C cả, anh em có xài cái nào ngon ngon thì hãy chia sẻ với mọi người nhé.

Cong_cu_di_du_lich_he_4.jpg

Mua SIM khi đến quốc gia khác

Đây là cách cực kì tiện để bạn có thể "sống" được ở đa số những quốc gia ngoài Việt Nam. Mình thường chọn mua loại SIM chỉ có 3G, 4G chứ không cần gọi thoại vì chỉ cần có Internet thì mình có thể gọi xe Uber / Grab, có thể tra bản đồ để tìm đường, có thể tìm kiếm các địa danh hay ho xung quanh mình, và có thể gọi Skype / Messenger cho những đứa bạn đi chung.

SIM mà anh em cần mua sẽ là dạng SIM cho khách du lịch, và chỉ cần passport là đủ chơi. SIM thường bán theo gói 1GB, 2GB, 4GB, 10GB, 100GB data, tùy nhu cầu và độ dài chuyến đi mà anh em chọn mua cho phù hợp. Với những chuyến đi dài 2-3 tuần, mình thường mua hẳn SIM unlimited data, tức là không bị giới hạn dung lượng, để sử dụng cho thoải mái. Lúc đi qua một số nước Châu Âu hay Mỹ và Singapore còn có cả 4G LTE để xài nữa, rất đã.

Cong_cu_di_du_lich_he_5.jpg

Đầu phát Wi-Fi thuê sẵn tại Việt Nam

Một lựa chọn khác: đầu phát Wi-Fi LaxGo. Anh em sẽ thuê thiết bị này tại Việt Nam, sau đó ra nước ngoài thì cứ thế mà sử dụng. Laxgo đã ký kết với các mạng ở các nước hay các vùng mà nó hỗ trợ. Khi chúng ta đi đến chỗ nào đó thì nó sẽ tự động kết nối vào mạng di động đó rồi phát wifi để chúng ta sử dụng. Chỉ cần mở lên, không cần làm gì khác. Tùy theo khu vực mà tốc độ, dung lượng tốc độ sao sẽ khác nhau. Cái này khi nào anh em đi thuê thì anh em hỏi kỹ hơn. Mình đến Đài Loan thì thấy nó kết nối vào mạng Taiwan Mobile 4G, ở Nam California, Mỹ thì thấy vào mạng 4G của Verizon.

Đọc kĩ hơn về đầu phát Wi-Fi LaxGo ở đây.

Cong_cu_di_du_lich_he_6.jpg

Những phụ kiện nhỏ nhỏ: tai nghe, cục sạc dự phòng, cáp các loại

Những thứ này có lẽ không cần nói nhiều, chỉ lưu ý anh em vài thứ sau:
  • Với tai nghe Bluetooth: không được xài khi máy bay cất hạ cánh vì tín hiệu Bluetooth có thể làm ảnh hưởng đến thiết bị bay
  • Pin dự phòng bắt buộc bỏ vào hành lý xách tay, không được bỏ vào hành lý ký gửi, nếu lỡ bỏ quên thì an ninh sân bay sẽ bắt bạn lấy ra
  • Trước khi xuống xe / xuống máy bay nhớ ngó kĩ xung quanh mình cũng như trong các hộc để đồ xem có quên tai nghe hay sạc trong đó không
  • Cáp sạc nên để trong hành lý xách tay vì lên máy bay hay lên xe rồi thì bạn sẽ không cách nào lấy được cáp nếu lỡ để tranh hành lý ký gửi
Giờ tới phần chia sẻ một số ứng dụng mà mình thường xài

Vé máy bay: Traveloka, SkyScanner

Hai ứng dụng đặt vé này hơi khác nhau về bản chất. Traveloka giúp bạn tìm vé, so sánh vé và đặt ngay trên đây. Lúc ấy có thể xem Traveloka như đại lý bán vé máy bay, họ cũng sẽ hỗ trợ bạn nếu có khó khăn gì đó về sau. Traveloka khá mạnh khi tìm vé cho các chuyến bay ở Việt Nam, hỗ trợ so sánh nhiều hãng hàng không với nhau và có đội support riêng cho Việt Nam. Thường bay nội địa mình sẽ mua trên Traveloka.

Trong khi đó, SkyScanner là app quét giá của rất nhiều nước và hỗ trợ gần như mọi chuyến bay quốc tế lẫn nội địa. Nhưng khi bạn chọn được một hành trình giá rẻ rồi thì SkyScanner sẽ chuyển tiếp bạn sang website của hãng hàng không hoặc của một bên thứ ba nào đó (như Traveloka hay Expedia) để bạn đặt. Lúc này SkyScanner chỉ đơn giản là một dịch vụ so sánh nhanh. Cái mình thích ở SkyScanner đó là nó hỗ trợ tìm kiếm chuyến bay nhiều chặng rất tiện lợi. Mình hay sử dụng SkyScanner để mua vé bay đi nước ngoài chơi.

Skyscanner.jpg

Khách sạn: Booking.com, Agoda, Airbnb, Expedia, Traveloka

Tất cả những ứng dụng đặt phòng mình liệt kê ở đây đều ngon cả, bạn có thể so sánh giá cả của cùng 1 khách sạn trên những app này rồi chọn ra chỗ nào rẻ nhất thì đặt. Có một số khách sạn có phòng trên app này nhưng lại hết phòng ở app khác nên anh em cũng cần coi kĩ trước khi đặt, nhiều khi giá rẻ hơn mà chưa chắc còn để book. Riêng mình thì hay sử dụng Booking.com nhất vì dùng đã lâu nên có nhiều ưu đãi riêng, ngoài ra còn do Booking thường có nhiều khách sạn cho hủy miễn phí trong khoảng thời gian nhất định. Airbnb thì phù hợp để kiếm những căn hộ trống cho nhóm bạn 3-4 người đi cùng, khi đó chia tiền ra mỗi người sẽ chỉ phải trả một khoản nhỏ nhỏ thôi chứ không đắt như thuê khách sạn truyền thống.

Ở Việt Nam, mình để ý thấy khách sạn trên Booking.com, Agoda và Traveloka nhiều hơn, phong phú hơn so với Expedia, trong khi đó Airrbnb thì thuộc một thể loại hơi khác rồi nên không so sánh chung được.

Booking_khach_san.jpg

Thời tiết: Yahoo Weather, Google

Đừng quên kiểm tra thời tiết cho những ngày bạn đi chơi để thủ theo áo mưa hoặc dù. Khi bạn đi mùa hè thì lại càng phải check kĩ để mang đồ theo cho đầy đủ, tránh bị ướt bệnh mất vui hay phải hoãn hành trình. Nếu bạn có dự tính mướn xe máy ở chỗ bạn sắp tới, hãy đem theo 1-2 cái áo mưa bỏ vào trong vali vì không phải chỗ thuê xe nào cũng cho bạn mượn áo mưa, kiếm được áo mưa tốt cũng rất khó trên những cung đường xa thành phố. Còn tới những quốc gia khác, một cái dù có lẽ là đủ để tiếp tục cuộc chơi dưới mưa.

App mình thường dùng để check thời tiết là Yahoo Weather và search thẳng trên Google. Cái lợi là bạn có thể check thời tiết trước cả chuyến đi để biết mang đồ theo cho phù hợp. Nên coi dài dài ngày ra, chừng 2-3 ngày trước và sau chuyến đi, để nắm bắt thông tin tốt hơn. Vụ này Google làm dễ hơn Yahoo Weather.

Từ khóa tìm kiếm về thời tiết trên Google là "Weather in <địa điểm>".

Dịch: Google Translate

Hữu dụng khi đi nước ngoài, Google Translate giúp anh em phiên dịch, biên dịch dễ dàng trong lúc giao tiếp với người địa phương hoặc cần tra cứu chữ nghĩa gì đó vô tình bắt gặp trên đường. Như hồi đi Singapore, mình thích ăn hủ tiếu như không bỏ giá (đỗ), nhưng ngặt cái không biết giá trong tiếng Anh là gì. Nhờ thần Google Translate trợ giúp mà mình đã có thể yêu cầu món ăn ngon đúng như những gì mình muốn. Hay hồi đi Đài Loan, mình dịch nhanh câu văn mình tính nói rồi cho nó phát ra để người bản xứ hiểu được mình đang muốn mua cái gì. Tính ra cũng tiện phết.

Link vào Google Translate

Đi chơi, tìm chỗ ăn uống, tham quan: Google Trip, Trip Advisor

Link tải Google Trips cho tất cả nền tảng

Link truy cập Trip Advisor

Cả hai ứng dụng này sẽ giúp bạn tìm kiếm chỗ ăn chơi ở địa điểm mà bạn đi tới. Google Trips thì theo kiểu tổng hợp thông tin ở mọi nơi, trong khi Trip Advisor tập trung việc cho bạn xem đánh giá của người khác về địa điểm, nhà hàng, quán ăn, khách sạn ra sao để bạn có thể đưa ra lựa chọn điểm đi phù hợp. Bạn nên dùng cả hai app cùng lúc: Google Trips để nắm sơ lược thông tin và địa danh nổi tiếng, sau đó coi Trip Advisor để biết chi tiết kĩ hơn từng nơi một và những nơi được đề xuất là gì.

Google Trips còn thông minh ở chỗ nó có thể tự đọc email của bạn để phát hiện vé máy bay và các email book phòng khách sạn và tự thành lập một chuyến đi, không cần làm tự động. Google Trips cũng có cho download dữ liệu offline và hỗ trợ lên lịch đi khá tốt, gợi ý cho bạn nên đi chỗ nào trước chỗ nào sau sẽ tiện đường và tiết kiệm thời gian.

Nhiều app và phần mềm dành cho mùa du lịch có thể tham khảo trên trong topic này: Các công cụ dùng tốt khi đi du lịch và những thứ cần chuẩn bị, mời anh em chia sẻ thêm

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Kinh nghiệm tạo biểu đồ Use Case

PHÉP TOÁN XOR

Phần mềm hỗ trợ vẽ bản đồ tư duy trên máy tính

Power Designer 12.5